Ông chủ 5 nhà hàng ở Hà Nội: Nếu định mở nhà hàng, hãy làm chắc chắn một cái đi, đừng mơ tưởng làm chuỗi cho mệt.
Khởi nghiệp nhà hàng là xu hướng được nhiều bạn trẻ lựa chọn, nhưng để “sống sót” và tiếp tục phát triển lên, liệu có phải con đường dễ dàng?
Tốt nghiệp Đại học Thương Mại, ra trường lại làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin khoảng 10 năm nhưng cuối cùng, anh Đỗ Thành Trung lại quyết định bắt tay vào khởi nghiệp với ngành kinh doanh nhà hàng. Đến nay, sau 4 năm phát triển, anh đã là chủ sở hữu 5 nhà hàng ở Hà Nội, con số không quá lớn nhưng là thành quả ghi nhận sự nỗ lực không ngừng của “tay ngang” như anh.
Tại buổi tọa đàm “F&B startup: Từ ý tưởng tới hiện thực” tổ chức gần đây, anh Trung đã không ngần ngại truyền lại những kinh nghiệm thực tế của mình cho các bạn trẻ đang có ý định khởi nghiệp trong lĩnh vực nhà hàng.
“Trước khi mở nhà hàng có 2 vấn đề cần lưu ý, đó là vị trí và quy mô”.
Xét về vị trí, anh cho biết yếu tố vị trí phù hợp chiếm tới 70% thành công của một nhà hàng. “Tôi có 2 người bạn trong khu du lịch Tràng An (Ninh Bình-PV). Các anh ấy bảo không lo mất khách vì khách du lịch quá nhiều, chẳng cần làm gì khách cũng đến, bán gì khách cũng mua, cơ bản vị trí địa lý quá đẹp”.
Tuy nhiên đấy là ở những nơi thuận lợi sẵn, còn với địa điểm như Hà Nội, để chọn vị trí đẹp, mỗi người kinh doanh cần cân nhắc kỹ xem chi phí mình có bao nhiều và quan trọng hơn, đối tượng khách hàng mình hướng đến là ai.
Lấy ví dụ thực tế từ bản thân, anh Trung cho biết với hai thương hiệu nhà hàng là Sành Quán và Góc Hà Nội, ngay từ đầu anh xác định buổi trưa sẽ tập trung vào dân văn phòng, buổi tối là gia đình. Những địa điểm chỉ đông khách văn phòng vào buổi trưa nhưng thưa dân cư vào buổi tối anh sẽ bỏ qua, vì hiệu quả kinh doanh giảm đi một nửa, doanh thu chỉ đủ bù đắp chi phí hoặc “có lãi tí ti” chứ không sinh ra nhiều lợi nhuận.
Để chọn được những vị trí đáp ứng tiêu chí trên, anh phải đích thân khảo sát trực tiếp tại từng địa điểm.
Có thời gian, anh dự định mở thêm nhà hàng tại khu vực Hà Đông (Hà Nội) nhưng khi khảo sát các tuyến đường ở đây, anh nhận thấy ban ngày các trường đại học, các công ty rất nhiều, như vậy sẽ có khách. Tuy nhiên dân cư địa phương lại thưa, buổi tối 6h các nhà hàng không có mấy người ăn, nên không thể mở ở Hà Đông được.
Hay như khu Duy Tân, Cầu Giấy, là khu vực tập trung nhiều tòa nhà văn phòng, buổi trưa các quán cơm rất đông khách, nhưng buổi tối lại không có ai, nếu mở thì kết quả cũng không như mong muốn.
“Muốn xác định địa điểm có phù hợp hay không thì chính các bạn phải tự tìm hiểu, tức là cảm nhận bằng thực tế. Đi 1 ngày không được thì đi 3-4 ngày, ngày đầu tuần thế nào, giữa tuần thế nào, cuối tuần thế nào”.
“Hãy nghiên cứu kỹ xem khách hàng có thể ở đây hay không. Bạn phải đến tận nơi xem chứ ngồi nhà nghĩ ngợi, chiêm nghiệm thì không bao giờ thành công được”.
Anh cũng thừa nhận tồn tại những nhà hàng không nằm ở vị trí tốt, thậm chí trong ngõ sâu nhưng luôn kín khách. Vì sao có trường hợp như thế? “Vì đó là bài toán marketing. Mình biết có trường hợp thời kỳ đầu, các bạn chạy marketing 1 tỷ đồng/tháng, sau dần dần rút xuống còn 1 tỷ đồng/quý. Họ đã lấy marketing bù lại bất lợi về vị trí địa lý".
Khẳng định vị trí là yếu tố tiên quyết nhưng anh Trung cũng cho rằng quy mô nhà hàng là một điểm quan trọng cần chú ý, vì không có quy mô thì không làm gì nổi.
“Hàng ngày, hàng giờ, có không biết bao nhiêu cửa hàng chuyển nhượng, nhưng các bạn hãy để ý, làm gì có nhà hàng to chuyển nhượng, toàn nhà hàng bé thôi, cứ người này rút ra thì người kia nhảy vào. Vào vào, ra ra liên tục vì đơn giản không có lợi thế quy mổ”.
“Nhiều người đến gặp mình nhưng mình không giúp được, bài toán quy mô quá nhỏ. Ví dụ nhà hàng thiết kế chưa đầy 90 khách thì làm sao kiếm đủ doanh thu để làm việc này, việc kia”.
Chia sẻ cụ thể hơn về tiêu chí lựa chọn quy mô phù hợp, anh Trung cho biết trước khi mở nhà hàng, mỗi người chủ cần tự đặt bút tính toán xem số chỗ ngồi là bao nhiêu, thu trung bình bao nhiêu tiền trên một đầu người, trường hợp kín chỗ thì doanh thu bao nhiêu. Sau khi lấy doanh thu trừ đi các khoản chi phí bỏ ra, nếu lợi nhuận ước tính được như kỳ vọng thì đó là quy mô phù hợp.
Tuy nhiên, cũng theo anh, biên lợi nhuận khi kinh doanh nhà hàng không phải quá cao. Nếu doanh thu 1 tỷ đồng/tháng thì lợi nhuận khoảng 12%, còn doanh thu trên 2 tỷ mới có cơ hội lớn hơn 20%. “Đấy là bạn đã làm rất khéo và có hệ thống bài bản trước rồi”.
Từ những thực tế trên, anh khuyên các bạn trẻ: “Nếu có ý định khởi nghiệp trong lĩnh vực nhà hàng, hãy làm một cái chắc chắn đi, đừng mơ tưởng phát triển chuỗi cho mệt. Như mình đến năm sau 2018, tức là sau 4 năm khởi nghiệp mới dám hợp tác cùng một quỹ đầu tư của Úc để cho ra đời một chuỗi nhà hàng mới”.
Một số bí quyết cho người mới khởi nghiệp trong lĩnh vực nhà hàng từ anh Đỗ Thành Trung:
- Nên kết hợp với các bên tư vấn bất động sản để tìm địa điểm, khi có địa điểm rồi thì thuê thiết kế cho “chuẩn chỉnh”, mình chỉ cần trao đổi ý tưởng với bên thiết kế là được.
- Tiết kiệm chi phí rất quan trọng nên những đồ như bàn ghế, bát đĩa, chậu inox… có thể mua lại. Riêng điều hoà, bếp thì nên mua mới vì có bảo hành dài hạn.
- Phải huấn luyện nhân viên 1 tháng trước khi mở nhà hàng, khách hàng không quan tâm nhà hàng mới hay đã mở lâu rồi, họ chỉ quan tâm đến dịch vụ thế nào.
- Nhân sự cấp cao thì phải đi “săn”, còn phục vụ bàn chỉ cần tìm trên các nhóm Facebook.
- Giai đoạn mới đầu, những việc có thể giao khoán thì nên khoán, không ôm đồm nhiều, từ mở nhà hàng, vận hàng, chạy marketing , tính tiền, tiếp khcahs… Càng chia nhiều công việc ra công tốt, như vậy sẽ tránh được stress và làm giảm hiệu quả công việc.
Chia sẻ từ Nguyễn Quang